Thanh Hoá sớm trở thành cực tăng trưởng mới
Trong những năm qua, Thanh Hoá đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nổi bật là: Kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân ước đạt 12,1%/năm, gấp 1,5 lần so với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Quy mô kinh tế của tỉnh Thanh Hoá tăng nhanh, năm 2020 gấp 1,77 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất các tỉnh Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.616 USD, gấp 1,8 lần năm 2015. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm dự kiến đạt 18,1%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; năm 2020 dự kiến đạt 29.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015. Các thành phần kinh tế có bước phát triển… Kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh; năm 2020 dự kiến đạt 47,8 doanh nghiệp/1 vạn dân, gấp 2 lần so với năm 2015.
Công nghiệp phát triển mạnh, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất của cả nước, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế của tỉnh. Các ngành dịch vụ có lợi thế, như: du lịch, vận tải biển, vận tải hàng không phát triển nhanh; giá trị xuất khẩu tăng trưởng cao, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán, tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt 18,1%. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; huy động vốn đầu tư phát triển đạt cao, tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 1,8 lần so với giai đoạn trước. Thanh Hóa nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, huy động vốn cho đầu tư phát triển. Tỉnh Thanh Hoá đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, cơ chế, chính sách, từng bước tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 76 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký 114.522 tỷ đồng và 3.655 triệu USD; đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cùng với thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tỉnh đã chú trọng vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, NGO, nguồn lực của Nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới hoạt động đầu tư công theo hướng trọng tâm, trọng điểm và phân bổ kế hoạch sớm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 610 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 – 2015.
Là tỉnh có vị trí chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng - an ninh, với nguồn tài nguyên phong phú, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian qua; Thanh Hóa cũng đã khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu sớm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Tạo bước đột phá về kinh tế
Trong thời gian tới, Thanh Hoá tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế... đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thanh Hoá tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo sức hấp dẫn mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư... Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài có chọn lọc, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Tập trung nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, các trụ cột tăng trưởng, các trung tâm kinh tế động lực để tạo sức lan toả phát triển chung cho cả tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn đang triển khai, có vai trò quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, Thanh Hoá còn chăm lo nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Chú trọng giữ gìn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, tạo động lực, nền tảng cho phát triển bền vững... Tiếp tục làm tốt công tác đền ơn - đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Với sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân, tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng với thời cơ, vận hội mới, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, xây dựng Thanh Hóa phát triển toàn diện, ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 18 đề ra định hướng xây dựng và phát triển trong 5 năm tới, trình Đại hội đó là: "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong thời gian tới, Thanh Hoá tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hoá đã đề ra 27 chỉ tiêu, 6 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá; 12 nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh; 8 nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, 6 chương trình trọng tâm gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Chương trình phát triển du lịch. Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh. Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ.
3 khâu đột phá gồm: Đột phá về phát triển hạ tầng. Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.