Theo Bộ NN&PTNT, sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, trong giai đoạn 2010 - 2019, cơ cấu GDP ngành thủy sản trong toàn ngành nông nghiệp tăng từ 17,8% lên 24,4%.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 5 tỷ USD lên tới 8,6 tỷ USD, tương ứng 1,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước và 20,8% kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp.
Thủy sản giải quyết việc làm cho khoảng 3,9 triệu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; thu nhập của lao động thủy sản không ngừng được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên, ngành thủy sản đang còn bộc lộ không ít những tồn tại, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về phát triển thủy sản của đất nước, như: phát triển thủy sản chưa thực sự bền vững, ổn định và hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa thủy sản của nước ta trên thị trường khu vực và quốc tế chưa cao, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có cả chủ quan và khách quan, điều này được thể hiện qua việc các quan hệ sản xuất vẫn rất rời rạc, thiếu sự gắn kết tư duy sản xuất hàng hóa lớn giữa những người sản xuất nguyên liệu với cơ sở chế biến, đặc biệt thiếu sự gắn kết theo chuỗi giá trị thủy sản trong nước với chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.
Do đó, việc ban hành Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết.
Ngành thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản sẽ đạt 3 - 4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm, bảo vệ quốc phòng an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...