Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

(Dân sinh) - Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã tổ chức quán triệt, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 76 và các văn bản liên quan và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác giảm nghèo. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ bản đầy đủ, đồng bộ các văn bản chỉ đạo, điều hành và kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Các kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, nâng cao đời sống và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của người dân, trong giai đoạn vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến 2020, Nghị quyết số 100 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị quyết số 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao - Ảnh 1.

Nhiều mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả.

Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2.75%. Chỉ tính riêng 2016-2019: giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.

Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo. Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là hơn 93.000 tỷ đồng.

Chính phủ và các địa phương đã ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện cho người nghèo. Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chiều chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cập 5 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng. Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng.

Các chính sách giảm nghèo đặc thù cũng được chú trọng ban hành như: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025. Chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; ưu đãi về mức đầu tư, hỗ trợ về lãi suất tín dụng phục vụ phát triển sản 0thiểu số ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ nhà văn hóa cộng đồng, xây dựng dự án bảo tồn đối với các nhóm dân tộc ít người.

Chính sách đặc thù đối với huyện nghèo, xã ĐBKK như luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc huyện nghèo; thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã ĐBKK; mở rộng chương trình quân dân y kết hợp, xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng.

63 tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành bổ sung nhiều chính sách đặc thù lĩnh vực giảm nghèo trên địa bàn để hỗ trợ người nghèo. Bắc Kạn ban hành chính sách riêng hỗ trợ, khuyến khích các hộ nghèo phát triển các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao; tỉnh Quảng Nam ban hành chính sách cấp miễn phí thẻ BHYT cho người cận nghèo, cấp bù 50% học phí cho học sinh-sinh viên nghèo; TP. Hà Nội đã ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống; TP. Hồ Chí Minh xây dựng Đề án chiến lược giảm nghèo bền vững trong trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội.