Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Kỹ năng cần có nếu không may là nạn nhân của mua bán người

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Trẻ em hay người trưởng thành khi bị mua bán đều phải học cách tự bảo vệ bản thân mình và cố gắng tận dụng mọi cơ hội để tìm đường thoát thân.

Thế nào là mua bán người?

Mặc dù báo chí, truyền thông thường xuyên thông tin về các vụ mua bán người, nhưng số nạn nhân bị lừa mua bán vẫn không ngừng gia tăng. Nhiều người, thậm chí còn không biết mình bị mua bán, không hiểu thế nào là hành vi mua bán người.

no-luc-phong-chong-toi-pham-buon-nguoi.jpg
Bộ đội biên phòng Lai Châu lấy lời khai của đối tượng mua bán người. Ảnh: Bộ LĐ-TB&XH.

Điều 3, khoản (a) của Nghị định thư về Phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hiệp quốc về Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (gọi tắt là Nghị định thư về Chống buôn bán người) quy định:

“Buôn bán người” được hiểu là việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách đe dọa, sử dụng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với những người khác vì mục đích bóc lột.

Hành vi bóc lột ở đây ít nhất là bao gồm bóc lột vì mục đích mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hay lấy các bộ phận cơ thể.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam không sử dụng khái niệm “buôn bán người” mà sử dụng khái niệm “mua bán người” và “mua bán trẻ em”. 

Theo Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, “mua bán người” là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây:

Bán người cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua; Mua người để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; Dùng người như là tài sản để trao đổi, thanh toán; Mua người để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì các mục đích trái pháp luật khác. 

Còn theo điều 4 của Thông tư, “mua bán trẻ em” là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây: Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua;

Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán; Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác.

Theo số liệu của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH(, từ năm 2013 - 2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (chiếm trên 90%) và đa số là người dân tộc thiểu số.

Cần làm gì nếu bị mua bán?

5-1-1658972231317.jpg
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) đã soạn cuốn Sổ tay Di cư an toàn cung cấp một số lời khuyên hữu ích cho mọi người nếu không may là nạn nhân của mua bán người. 

Trường hợp bạn bị kẻ mua bán người di chuyển từ nơi này sang nơi khác, hãy để mắt chú ý tới những ký hiệu hoặc dấu hiệu; Cố gắng tìm hiểu xem bạn đang ở đâu; Tìm kiếm các trạm xe lửa, số hiệu trên các đường cao tốc, tên thành phố hoặc các tòa nhà nổi bật; Ghi nhớ từng chi tiết, điều này có nghĩa là nếu bạn có thể gọi điện thoại, bạn sẽ nói được mình đang ở đâu.

Trường hợp bạn bị bắt phải làm một công việc trái ý muốn như trong một nhà chứa hoặc một nhà máy sản xuất, cố gắng tìm hiểu tên của nơi bạn đang bị giam giữ. Nếu đó là nơi an toàn, hãy nói chuyện với những người xung quanh bạn để xem họ có biết bạn đang ở đâu không.

Bạn hãy cố gắng ghi nhớ mặt của kẻ mua bán người. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã bị mua bán, hãy lên kế hoạch trước khi hành động. Đừng để kẻ mua bán người biết việc bạn đang nghĩ mình đã bị bán, hãy cứ vui đùa bình thường trong quá trình tìm cách trốn thoát.

Nếu bạn là nạn nhân bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục, hãy cố gắng thuyết phục những người đàn ông sử dụng bao cao su (để phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục).

Mọi người cần nhớ số điện thoại khẩn cấp trong Cuốn sổ tay di cư an toàn và gọi tới khi cần thiết. Tốt nhất là sử dụng điện thoại cố định để gọi, vì khi đó người tiếp nhận cuộc gọi có thể xác định được vị trí bạn đang có mặt. 

Tìm mọi cách liên hệ, gọi điện thoại tới Cơ quan Đại diện Việt Nam tại địa bàn hoặc gọi cho gia đình thông báo mình đang bị giam giữ ở đâu, địa chỉ (miêu tả ngôi nhà, tòa nhà bị giam, đặc điểm nổi bật, dễ tìm kiếm của các tòa nhà lân cận, số nhà, tên khách sạn/nhà hàng, tên đường/phố, quận/huyện, tỉnh/thành phố và số điện thoại).

Gia đình nạn nhân bị mua bán cần liên hệ với Phòng Lãnh sự ngoài nước, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) theo số điện thoại (+84) 981.84.84.84/Email: baohocongdan@gmail.com

Nếu bạn bị bán mà không nhận được bất cứ khoản tiền lương nào, và người chủ lao động nói với bạn rằng nếu bạn làm việc thêm một hoặc hai năm, bạn sẽ nhận được rất nhiều tiền thì bạn đừng tin người chủ lao động đó. Những kẻ mua bán người thường cố gắng để lừa những người dân di cư theo cách này, và người di cư sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền nào.

Cán bộ tư vấn của Đường dây nóng Phòng chống mua bán người 111 cũng chia sẻ thêm, nếu phát hiện ra mình bị bán, trẻ em trước hết cần giữ bình tĩnh và tìm cách tự bảo vệ bản thân. 

Các em hãy cố gắng tìm hiểu mình có đang bị giam giữ hay giám sát không, nếu có thể nói chuyện với người ngoài hoặc nói chuyện qua điện thoại thì được nói trong bao lâu.

Hãy cố gắng gửi định vị vị trí của mình ra bên ngoài hoặc mô tả nơi mình đang bị giam giữ để được giải cứu.

Nếu không được sử dụng điện thoại, không thể phát tín hiệu cầu cứu, hãy tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh.

Bình Yên

Ấn phẩm Vì trẻ em số 14

Tin liên quan