Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Người trẻ quyết “giữ lửa” nghề, đưa gốm Việt xuất ngoại

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Cuộc sống hiện đại, không ít người thờ ơ với nghề truyền thống. Tuy nhiên, vẫn có những bạn trẻ quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị nghề truyền thống.

Nữ nghệ nhân tài hoa đưa gốm Việt xuất ngoại

Tự hào vì sinh ra trong cái nôi làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) với gia đình có 4 đời làm nghề thủ công truyền thống, nghệ nhân Vũ Như Quỳnh nối nghiệp như một sứ mệnh được trao truyền.

Chị chia sẻ từ nhỏ đã quen với mùi hương của đất sét khi bố mẹ, người thân làm đồ gốm nhưng cô chưa nhận ra tình yêu của mình với gốm sứ.

quynh.jpg
 Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh nâng tầm gốm Việt. 

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Vũ Như Quỳnh học ngành thiết kế thời trang ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và sau đó có 4 năm làm trong ngành này. Sau những trải nghiệm với ngành thời trang, nhiều lần ngắm những tác phẩm gốm sứ, chị Quỳnh suy nghĩ: “Mình sẽ sáng tạo gì trên những tác phẩm này, làm thế nào để đẹp hơn, phù hợp hơn với đời sống hôm nay?”.

Cô quyết định nối nghiệp gia đình với lợi thế chính là những kiến thức về mỹ thuật như hình khối, màu sắc, thiết kế sản phẩm… để có thể vận dụng, sáng tạo khi sản xuất gốm.

Trải qua biết bao thất bại mới làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh nhưng được sự ủng hộ của gia đình, cô vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê. Vũ Như Quỳnh đã mạnh dạn làm mới các sản phầm truyền thống, đó là gốm đắp nổi, dát vàng, vẽ vàng, men rạn.

Với những kiến thức thu nhận được từ ngành mỹ thuật, Vũ Như Quỳnh đã làm các sản phẩm nổi 3D đầu tiên, mang lại luồng gió mới cho các sản phẩm gốm tâm linh phong thủy.

Cô luôn tâm niệm làm sao để vừa cải tiến, vừa hoàn thiện công nghệ, vừa đảm bảo yếu tố truyền thống của gốm Việt - Bát Tràng cổ. Dựa trên họa tiết hoa văn, bài men, các điển tích cổ, Vũ Như Quỳnh sáng tạo ra những thiết kế mới đưa vào các sản phẩm gốm đương đại, thổi hồn vào sản phẩm.

“Tôi đã nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm men rạn đắp nổi vẽ vàng và thếp vàng đòi hỏi sự kết hợp tinh xảo giữa nước men cũ và những yếu tố mới như vẽ vàng và dát vàng lên sản phẩm.

Màu sắc của sản phẩm phải hài hòa, đa dạng, không chỉ đơn sắc như trước, nhờ việc tạo ra các khối sáng tối đậm nhạt khác nhau trên họa tiết để có hiệu ứng thị giác 3D. Sau khi nghiên cứu thành công, chúng tôi bắt đầu sản xuất với số lượng lớn hơn, với kiểu dáng được cải tiến đa dạng theo thời gian”, Quỳnh chia sẻ.  

Để phát triển và mở rộng sự nghiệp, Vũ Như Quỳnh lập công ty và không ngừng mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm gốm truyền thống Việt đến nhiều quốc gia trên thế giới.

huong.jpg
 Nghệ nhân Nguyễn Thu Phương quyết giữ nghề làm hương truyền thống. 

Quyết giữ nghề làm hương truyền thống

Chị Nguyễn Thu Phương (35 tuổi, thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được phong Nghệ nhân làng nghề năm 2022. Chị luôn đau đáu phát triển nghề làm hương truyền thống. Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu có truyền thống hơn 100 năm là nơi cung cấp nguồn hương lớn cho khu vực phía Bắc.

Chị Phương sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm tăm hương gần 40 năm. Công việc này như ngấm vào máu. Không chỉ có tình yêu với nghề truyền thống của gia đình, chị cũng ý thức được rằng, nghề truyền thống của gia đình đã giúp anh, chị, em có cuộc sống không thiếu thốn, được học hành đàng hoàng...

Vì thế, chị Phương tâm niệm phải giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Năm 2010, chị và chồng thành lập Cơ sở sản xuất Từ Bi Hương. Lúc mới thành lập, cơ sở khó khăn trăm bề khi vừa phải tập trung sản xuất, hai vợ chồng phải đi mời khách, tuyển thêm đại lý và quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Đó là chưa kể mới khởi nghiệp nên thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu vốn…

Với trách nhiệm giữ gìn và phát triển nghề làm hương truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, chị luôn cố gắng chăm chút, tìm ra các nguyên liệu để làm mới sản phẩm nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi của nó.

Năm 2022, chị Nguyễn Thu Phương được phong danh hiệu Nghệ nhân làng nghề. Cơ sở sản xuất hương có 5 lao động làm trực tiếp tại xưởng và 20 người được chị Phương tạo điều kiện mang sản phẩm về nhà làm.

Hiện cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm như: Hương trầm, hương quế, hương bài, nụ trầm, hương trám, hương bồ kết, hương vòng hương thuốc Bắc, hương sào... và có 8 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Những năm trước, các sản phẩm hương đen hay chân nhang của vùng được xuất sang các nước như: Ấn Độ, Malaysia và một số nước Đông Nam Á... Tuy nhiên, thị trường này cũng không ổn định nên hiện cơ sở chủ yếu bán trong nước.

Theo xu thế hiện nay, thời đại công nghệ 4.0, để đa dạng hóa và mở rộng thị trường, chị Phương đã áp dụng công nghệ vào việc kinh doanh của gia đình nhằm đưa sản phẩm tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.

"Sản phẩm của cơ sở sản xuất Từ Bi Hương đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi phải làm ra sản phẩm tốt, giữ uy tín và giữ khách hàng. Bên cạnh đó, tôi mong muốn sau này con cái sẽ nối nghiệp để phát triển thương hiệu của gia đình rộng khắp, bền vững", chị Phương nói.

duc.jpg

Ngô Quý Đức luôn mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Chàng trai nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc

Nuối tiếc những giá trị truyền thống từ sản phẩm thủ công từng gắn bó mật thiết với các gia đình Việt, Ngô Quý Đức (quận Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu hành trình tìm lại sức sống cho các làng nghề.

Không sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống nhưng từ nhỏ Quý Đức đã có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm thủ công ở nhà ông mình như: Tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, hay bộ bàn ghế bằng mây tre, hộp sơn mài…

Những đồ vật đó dường như đã gắn liền với cả tuổi thơ của anh. Sau này, anh tiếc khi những sản phẩm thủ công đó không còn xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động đời sống hằng ngày.

Khi đã trưởng thành, Ngô Quý Đức tiếp xúc với nhiều nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống. Anh tham gia hoạt động trong câu lạc bộ của các làng nghề thủ công. Năm 2020, dự án “Về Làng” chính thức được công bố.

Đức cùng các nghệ nhân và những người thợ thủ công khôi phục nghề truyền thống được kế thừa qua nhiều thế hệ. Anh kết hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu mẫu mã phù hợp với xu hướng tiêu dùng.

Để phát triển những sản phẩm có tính ứng dụng thực tế, giúp các làng nghề phát triển mẫu mã sản phẩm gần hơn với đời sống, Đức thành lập đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp nhằm kết nối đưa sản phẩm làng nghề đến những khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort để làm quà tặng lưu niệm cho du khách.

Thời gian qua, Ngô Quý Đức đã làm “nhịp cầu nối” thúc đẩy sự liên kết giữa các làng nghề với doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường, giao lưu giữa các nghệ nhân, doanh nghiệp.

Trong đó, có thể kể đến thành công trong việc kết nối làng nghề tre Chúc Sơn sản xuất hộp đựng đồ cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thực dưỡng, hộp đựng quà tết… tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở làng nghề.

Bên cạnh đó, Đức kết hợp với các doanh nghiệp, đơn vị chuyên về cổ phục để làm ra những sản phẩm mang giá trị văn hóa có tính ứng dụng trong đời thường.

Chẳng hạn, chương trình “Về làng - Sợi tơ vàng dệt xuyên thế kỷ” đưa du khách đến với làng nghề dệt lụa Nha Xá (Hà Nam) và làng may áo dài truyền thống Trạch Xá (Hà Nội).

Chương trình “Về làng - Tết xưa vùng Kinh Bắc” đưa du khách đến với làng Ðông Hồ. Chương trình “Về làng - Rước đèn Trung thu” giúp các em nhỏ được gặp những nghệ nhân làm ra món đồ chơi truyền thống, lưu giữ dấu ấn văn hóa dân tộc…

Các chương trình “Về làng” tập trung vào điểm nhấn lịch sử văn hóa làng và đa dạng trải nghiệm của du khách đối với các nghề truyền thống thông qua hướng dẫn của nghệ nhân, thợ lành nghề.

“Mong muốn của chương trình là đưa những sản phẩm chất lượng cao của làng nghề Việt đến gần hơn với cộng đồng trong nước và lan tỏa ra quốc tế. Tôi muốn giới thiệu những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, về bản sắc của người Việt, muốn bạn bè thế giới biết đến những tinh hoa của làng nghề thủ công Việt Nam”, Ngô Quý Đức chia sẻ.

Vân Khánh