Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Thổi hồn văn hóa vào các sản phẩm du lịch nông nghiệp

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Những năm gần đây, du lịch nông thôn nở rộ với nhiều loại hình như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Các hoạt động này một mặt giúp phát triển kinh tế nông thôn, mặt khác tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp, nơi mỗi cư dân đều trở thành hướng dẫn viên tại quê hương mình.

Phát triển du lịch nông nghiệp giúp mở rộng bản đồ du lịch quốc gia 

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ là giải pháp căn cơ để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới mà còn là động lực mạnh mẽ giúp tăng cường kết nối giữa đô thị và nông thôn, mở rộng bản đồ du lịch quốc gia. 

phat-trien-du-lich-nong-nghiep-tren-the-gioi-va-thuc-trang-o-viet-nam.jpg
 Xây dựng phẩm du lịch nông nghiệp dựa trên yếu tố tiềm năng khác biệt để hấp dẫn du khách.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhận định, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang phát triển và có dư địa tốt nếu biết cách khai thác. Sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt đầu từ chiều sâu văn hóa, dựa trên văn hóa bản địa, văn hóa cộng đồng làng xã và thành tựu nông nghiệp, nông thôn.

Người nông dân chân chất, lam lũ, tận dụng tiềm năng và thế mạnh vùng đất của mình biến thành sức mạnh của du lịch. Nhiệm vụ của người quản lý là tổng kết và nêu bật sự khác biệt cũng như tính nổi trội của du lịch nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cần mở rộng bản đồ du lịch quốc gia không chỉ giới hạn ở những địa danh nổi tiếng như: Hạ Long, Phú Quốc… mà cần vươn ra các miền không gian rộng lớn của nông thôn, di sản phi vật thể, nơi những người nông dân lặng lẽ bồi đắp sức sống cộng đồng.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ giúp định hình và thu hút tình yêu của thế hệ tương lai đối với nông nghiệp, nông thôn, cội nguồn và giá trị vô hình.

Để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, "dù đã có những nghị quyết, chính sách được ban hành nhưng hai Bộ NN&PTNT và VH-TT&DL cần ngồi với nhau để viết lại câu chuyện, xây dựng một phiên bản mới dựa trên nền tảng đã có của tri thức bản địa, homestay, farmstay… từ đó xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp và hướng dẫn tới địa phương, trang trại”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn đang trở nên quan trọng trong việc mở rộng các tuyến điểm du lịch, kết nối đô thị với nông thôn và trung tâm du lịch với các điểm vệ tinh.

Báo cáo từ 63 Sở Quản lý nhà nước về du lịch cho thấy, cả nước có 488 khu, điểm du lịch được công nhận; trong đó, khoảng 80% nằm ở nông thôn. Các địa phương đang khai thác đa dạng tài nguyên du lịch gắn với giá trị nông nghiệp đặc sắc, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: Văn hóa truyền thống, đặc sản địa phương, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội và làng nghề.

Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp

Nhiều địa phương đã phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên hoạt động nông nghiệp như: Cây ăn quả, chè, cà phê, hoa, cây cảnh, chăn nuôi, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ.

Du lịch nông nghiệp còn kết hợp với du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái và làng nghề, đặc biệt phát triển mạnh ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Một số làng du lịch đã đạt tiêu chí OCOP và tiêu chuẩn ASEAN, được nhận giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới của UN Tourism.

Hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến cũng được đầu tư mạnh, như: Lễ hội trái cây ở TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long; lễ hội Cà phê Tây Nguyên; sắc vàng Tam Cốc ở Ninh Bình và ruộng bậc thang - mùa lúa chín Tây Bắc…

Cơ sở hạ tầng và vật chất phục vụ du lịch nông thôn không ngừng được nâng cấp, nhiều hộ dân đã phát triển hệ thống homestay chất lượng cao, hạ tầng nhà vệ sinh, cảnh quan và kết nối bản làng được cải thiện.

Nhiều dự án du lịch được đầu tư khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao như khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí và trang trại giáo dục. Các hoạt động này tập trung ở khu vực có cảnh quan đẹp và gần đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.

Mặc dù có nhiều thành tựu đáng kể, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn gặp không ít khó khăn. Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cả nước có 488 khu điểm du lịch, 80% trong số này nằm ở nông thôn.

Số lượng các homestay tham gia đón khách là 40.000 cơ sở. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình nông thôn mới đang mang lại lợi ích kép, giúp nhiều địa phương hình thành những thương hiệu du lịch lễ hội, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, nâng cao chi tiêu của khách.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình còn gặp nhiều khó khăn như: Sự chủ động của các ngành tại một số địa phương còn hạn chế, do đó công tác ban hành kế hoạch còn chậm; khó khăn về tiếp cận, thực hiện các giải pháp, đặc biệt là công tác đánh giá tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc; thiếu công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn; mô hình du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún... dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và quảng bá du lịch.

Ngoài ra, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng còn một số hạn chế về chất lượng dịch vụ, nhiều địa phương chỉ cung cấp dịch vụ trải nghiệm và tham quan trong ngày với tính chất đơn giản. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định: "Muốn phát triển du lịch nông nghiệp phải dựa trên yếu tố tiềm năng khác biệt, văn hóa cộng đồng, văn hóa miền quê để chọn ra hướng đi và xây dựng bộ sản phẩm riêng cho từng vùng khi đó mới thu hút du khách".

Đức Thọ

Báo Lao động Xã hội số 67

Tin liên quan